Nuôi rắn mối: Rắn mối khan hàng đến nỗi anh Linh không chịu gặp các phương tiện truyền thông để tránh… khách hàng ngày càng đông.
Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin ở TPHCM nhưng lại về quê để… nuôi rắn mối. Chàng thanh niên Hồ Chí Linh (xã Mỹ Hòa, Ba Tri, Bến Tre) đã khiến chúng tôi không khỏi tò mò, vượt gần 100km từ Vĩnh Long sang để mắt thấy anh làm kinh tế giỏi từ loại bò sát này.
Dám nghĩ, dám làm
Băng qua những con đường đất đá ngoằn ngoèo, lầy lội bởi những trận mưa, chúng tôi đến nhà anh, ngôi nhà khá khang trang giữa đồng lúa, nép mình dưới rừng dừa xanh bạt ngàn.
Câu chuyện giữa chủ và khách bắt đầu rôm rả, trải dài theo những cơn mưa đầu mùa dai dẳng. Chưa đầy 2 năm, từ 20 cặp rắn mối bố mẹ ban đầu, sau thời gian nuôi thử nghiệm, có lúc số lượng rắn mối trong chuồng lên đến hàng ngàn con.
Hiện tại, rắn mối của anh Linh có thị trường tiêu thụ rất rộng lớn, ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL: từ An Giang, Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Cần Thơ… rồi đến TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai… và thậm chí tận một số tỉnh miền Bắc.
Anh kể, từ khi thấy một người bạn nuôi rắn mối bán kiểng, thấy giá trị kinh tế cao, anh quyết định nuôi thử. Từ bỏ công việc ngành công nghệ thông tin, anh về quê đầu tư xây chuồng trại, học tập cách nuôi… Không ngờ, con rắn mối hiện nay luôn trong tình trạng… khan hàng đến nỗi “giá bán thịt rắn mối do chính mình quyết định” – anh Linh cho biết.
Hiện trại anh Linh còn khoảng 1.000 con để giống. Ít bán ra bên ngoài nên có đơn đặt hàng liên tục mà không thể đáp ứng. Có những trường hợp ở xa đến, không liên lạc trước nên phải thất vọng về… tay không. Đến nỗi, anh Linh không chịu gặp các phương tiện truyền thông để tránh… khách hàng ngày càng đông.
Chuồng được thiết kế theo dạng hở, có chỗ cho ánh nắng xuyên vào vì loài bò sát này rất ưa nắng. Càng nắng thì rắn mối càng mau lớn và ít bệnh. Ngày mưa thì có thể thay bằng đèn dây tóc. Diện tích chuồng không cần quá lớn, tuy nhiên phải đảm bảo vệ sinh, đặt các viên gạch ống có lỗ để chúng có thể chui ra chui vào. Mặt tường phía trong chuồng phải tô láng hoặc dán gạch men để tránh rắn mối thoát ra ngoài. Nền chuồng có thể để rơm, lá, gạch ngói, tôn bể… để tạo một không gian giống như tự nhiên.
Theo anh Linh, rắn mối là loài bò sát rất dễ nuôi, ít dịch bệnh. Chỉ có khâu tìm thức ăn là có chút khó khăn. Rắn mối thích ăn: mối, sâu bọ, nhái, các loại cá nhỏ băm nhuyễn,…
Nếu nuôi tốt thì chừng 8- 9 tháng rắn mối trưởng thành, có thể bán, thông thường thì từ 35- 40 con thì được 1kg. Với giá bán hiện nay khoảng 400- 450.000 đ/kg thì sau khi trừ các chi phí, tiền lời khoảng 50%.
Nếu không bán thịt thì để bán giống, tùy thời điểm, tùy con lớn nhỏ mà định giá. Nuôi khoảng 10 tháng thì rắn mối có thể sinh sản.
Và theo kinh nghiệm của anh Linh, khi nuôi rắn mối làm giống nên thả theo tỷ lệ 1:1, tức lượng con cái và con đực bằng nhau, như vậy tỷ lệ lấy giống sẽ cao hơn. Anh cũng nói chỉ cần nhìn vào “trang phục” là biết ngay con nào là đực, cái. Con cái thường đẹp và sặc sỡ hơn, riêng con đực thì phần viền màu cam trên thân sẽ đậm hơn.
Tự khẳng định mình…
Ngoài việc nuôi rắn mối, anh Linh cũng nuôi thêm 19 con nhím vừa để giống, thỉnh thoảng bán thịt với giá khoảng vài triệu đồng/con tùy lớn, nhỏ và thời điểm.
Tuy nhiên, anh Linh cho biết, hiện tại con nhím có giá trị cao hơn rắn mối nhưng xét về lâu dài thì sẽ ngược lại. Thịt rắn mối có thể chế biến thành nhiều món ăn độc đáo như: cà ri, băm nhuyễn xào lá cách, nướng, chiên giòn, hầm,… Thịt rắn mối có giá trị dinh dưỡng rất cao, đặc biệt dành cho trẻ em suy dinh dưỡng, chậm lớn…
Cơn mưa kéo dài đã làm cuộc trò chuyện giữa chúng tôi thêm phần sinh động và thân thiện.
Anh Linh cho biết, sẽ mở rộng diện tích nuôi, số lượng rắn mối dự tính sẽ gấp một trăm lần với hiện tại. Ngoài ra, anh sẽ tự thiết kế chuồng theo hướng mở hoàn toàn, chỉ xây bờ tường để tránh hao hụt, kết hợp với nuôi dế, nhái ngay trong chuồng làm thức ăn. Sẽ có một đường ống thông vào chuồng có mái che để chúng tránh mưa.
Sắp tới, anh Linh sẽ cùng một số người nuôi rắn mối ở các địa phương khác hỗ trợ cho nhau trong việc phân phối, đảm bảo giá sản phẩm luôn ổn định. Đặc biệt là trong thời gian tới, anh sẽ là người cung cấp chính thức cho một nhà hàng sắp mở chuyên về món ăn rắn mối ở TPHCM.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Diên – Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa cho biết: Anh Linh là một thanh niên điển hình làm kinh tế giỏi và mô hình nuôi rắn mối của anh bước đầu đã cho thấy hiệu quả kinh tế rất cao. Nhờ mô hình nuôi rắn mối rất độc đáo này của anh Linh mà xã Mỹ Hòa thời gian gần đây liên tục được các phương tiện truyền thông nhắc đến, làm rạng danh quê hương.